Friday, April 1, 2022

Bệnh sởi là gì ?

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm dễ gây dịch, lây qua đường không khí do virus sởi gây nên. Virus sởi một loại virus ARN thuộc chi Morbillillin nằm trong họ Paramyxoviridae và chỉ có một vật chủ tự nhiên là con người. Đây là virus dạng hình cầu, đường kính 120 – 250 nm, sức chịu đựng yếu, dễ bị diệt với các thuốc khử trùng thông thường hoặc ánh sáng mặt trời, sức nóng… có nhiệt độ khoảng 56 độ C.

Virus sởi có hai kháng nguyên:

  • Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu (Hemagglutinin).
  • Kháng nguyên tan hồng cầu (Hemolysin)Khi virus vào trong cơ thể bệnh nhân sẽ kích thích sinh kháng thể.
  • Kháng thể xuất hiện từ ngày thứ 2 – 3 sau khi mọc ban và tốn tại lâu dài. Miễn dịch trong sởi là miễn dịch bền vững.

Bệnh thường xảy ra vào mùa đông – xuân và hay gặp chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi. Sởi là một bệnh lưu hành rộng, vì thế bệnh liên tục xuất hiện trong cộng đồng, cộng thêm mức độ lây lan của bệnh rất nhanh nên rất dễ bùng phát thành dịch.

Vì sao bệnh sởi dễ bùng phát thành dịch?

  • Theo công bố của UNICEF, sởi là một bệnh truyền nhiễm cao, hơn cả Ebola, bệnh lao hay bệnh cúm. Bệnh sởi cũng có thể lây lan nếu như một người nào đó chạm vào một bề mặt hoặc một vật nào đó đã bị nhiễm virus, sau đó chạm vào miệng hoặc mũi của chính họ hoặc ăn uống khi chưa rửa tay.
  • Vi rút sởi có thể tồn tại trong không khí và trên bề mặt tới 2 giờ, chờ đợi để xâm nhập vào đường thở của các nạn nhân tiếp theo. Vì thế, một người khỏe mạnh có thể mắc bệnh sởi nếu ở chung với người nhiễm vi rút sởi hoặc chỉ qua tiếp xúc gián tiếp trong vòng 2 giờ.
  • Là một bệnh lý có tính chất lây nhiễm rất cao thông qua việc nuốt hoặc hít những hạt dịch tiết đường hô hấp từ một người bị nhiễm thông qua hắt hơi hoặc ho, virus sởi lây lan trong không khí và làm nhiễm trùng đường hô hấp, có khả năng gây tử vong đối với trẻ em suy dinh dưỡng hoặc trẻ em quá nhỏ chưa thể tiêm vắc xin.
Bệnh sởi
Bệnh sởi
Bệnh sởi

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

2


Bùi Thị Phương Thảo

Nguyên nhân gây ra bệnh sởi

Như đã đề cập bên trên, sởi gây ra bởi virus Paramyxovirus, thế nhưng quá trình lây truyền mới là điều đáng lo ngại của bệnh này.

Con đường lây bệnh chủ yếu của bệnh sởi là:

  • Đường hô hấp: tiếp xúc với các giọt hô hấp (nước mũi, nước bọt) của người bệnh bay trong không khí khi nói chuyện, hắt hơi, ho…
  • Tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết của người bệnh.
  • Tiếp xúc với đồ vật có tồn tại virus sởi từ người bệnh.

Thông thường, virus sởi lây nhiễm qua đường hô hấp trước tiên và dần lan sang các bộ phận khác của cơ thể thông qua dòng máu. Virus sống trong chất nhầy của mũi và cổ họng của một người nhiễm bệnh trong 4 ngày trước khi phát ban và tiếp tục phát triển trong khoảng 4 – 5 ngày sau đó. Cần lưu ý rằng đây là thời điểm virus dễ lây nhất nên những ai chăm sóc người bệnh cần thật sự cẩn thận.

Đối tượng dễ mắc bệnh sởi:

Tất cả những ai chưa có miễn dịch với bệnh sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt ở trẻ em do hệ miễn dịch còn non yếu. Những yếu tố khiến bạn dễ mắc bệnh sởi:

  • Không được tiêm chủng: tỷ lệ mắc bệnh của bạn sẽ tăng lên nếu bạn không tiêm phòng đầy đủ.
  • Thường xuyên đi du lịch: nếu bạn đặt chân đến những khu vực có điều kiện thuận lợi cho virus sởi phát triển, nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng sẽ gia tăng đáng kể.
  • Thiếu vitamin A: sự thiếu hụt vitamin A trong cơ thể sẽ khiến những dấu hiệu bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời tạo tiền đề cho biến chứng dễ xuất hiện.
Nguyên nhân gây bệnh sởi
Nguyên nhân gây bệnh sởi
Nguyên nhân gây bệnh sởi

3


Bùi Thị Phương Thảo

Triệu chứng khi mắc bệnh sởi

Triệu chứng của bệnh sởi ở trẻ em và người lớn đều có đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp trên, viêm kết mạc và phát ban. Khi bệnh nặng có thể dẫn đến nhiều biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm giác mạc, tiêu chảy, tử vong…

Bệnh sởi thường diễn biến qua các giai đoạn sau:

  • Giai đoạn ủ bệnh: 7- 14 ngày, trung bình 10 ngày. Giai đoạn này bắt đầu sau khi người bệnh nhiễm virus. Lúc này vẫn chưa có triệu chứng gì xuất hiện.
  • Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long) 2 – 4 ngày: sốt cao (nhiệt độ cơ thể có thể tăng đến hơn 40ºC), ho khan, sổ mũi, mắt đỏ và chảy nước mắt (viêm kết mạc), nội ban, hay còn gọi là đốm Koplik, xuất hiện vào ngày thứ hai. Chúng chính là dấu hiệu chỉ điểm của bệnh sởi. Hạt Koplik là những hạt nhỏ có màu trắng ngà, xung quanh viền đỏ, mọc nhiều trong khoang miệng. Hạt thường xuất hiện và biến mất nhanh trong vòng 12 đến 24 giờ.
  • Giai đoạn toàn phát kéo dài 2-5 ngày: Sau khi hạt Koplik lặn đi, phát ban sẽ bùng phát. Ban đầu, tình trạng này chỉ là những đốm nhỏ màu đỏ. Ban sởi thường là ban dạng sần, nổi gồ lên trên bề mặt da.
    Các nốt ban có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc thành từng cụm, khiến da trông loang lổ. Ban đầu, ban sởi nổi ở sau tai, trán rồi bắt đầu lan rộng khắp cơ thể, từ mặt, chân tóc cho đến cổ, tay, chân và bàn chân.
  • Giai đoạn hồi phục: Các nốt phát ban mờ dần theo thứ tự đã mọc, bong vảy và để lại vết thâm (vằn da hổ). Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh sẽ tự khỏi. Một số trường hợp phát sinh triệu chứng ho có thể kéo dài từ 1–2 tuần sau đó.
Triệu chứng của bệnh sởi
Triệu chứng của bệnh sởi
Đốm Koplik xuất hiện trước khi phát ban.
Đốm Koplik xuất hiện trước khi phát ban.

4


Bùi Thị Phương Thảo

Phân biệt sởi với một số bệnh phổ biến khác

Phân biệt bệnh sởi và rubella

Một tình trạng thường dễ gây nhầm lẫn với bệnh sởi ở người lớn cũng hay xuất hiện ở trẻ em, chính là sốt phát ban (do virus gây bệnh đường hô hấp hoặc virus rubella gây nên, lành tính và không nguy hiểm). Đây là hai căn bệnh khác nhau nhưng lại có một số biểu hiện khá tương đồng nên dễ gây nhầm lẫn.

Dù vậy, bạn vẫn có thể phân biệt sốt phát ban và sởi nếu để ý kỹ:

  • Khi sốt phát ban thông thường, sau khi giảm sốt, trẻ sẽ phát ban, nhức đầu và sưng hạch kéo dài khoảng 1–7 ngày. Nốt ban màu hồng mịn, xuất hiện ở mặt rồi nhanh chóng lan xuống thân, cánh tay, chân trước khi biến mất. Ban tồn tại từ 1–5 ngày. Ban biến mất thường không để lại dấu vết trên bề mặt da.
  • Phát ban dạng sởi thì thường xuất hiện theo thứ tự: ở sau tai, lan ra mặt, xuống ngực, bụng rồi có ở toàn thân. Các nốt ban này gồ lên trên bề mặt da, gọi là ban dạng sần. Sau khi biến mất, trên da sẽ còn những vết thâm, được gọi là “vằn da hổ”. Đặc biệt, trẻ bị sởi hay có 1 trong 3 triệu chứng đặc trưng kèm theo, gồm chảy nước mũi, ho và đỏ mắt.

Phân biệt bệnh sởi và rôm sảy

Ở giai đoạn đầu, cả 2 bệnh đều khó phân biệt nếu chỉ quan sát bằng mắt thường. Bệnh chỉ bắt đầu có điểm khác biệt rõ rệt ở giai đoạn phát ban”

  • Rôm sảy: nốt ban là những ban đỏ nhưng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi bay thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.
  • Sởi: Trẻ sốt nhẹ, bị ho khan không đờm. Ban xuất hiện theo thứ tự: lúc đầu từ ở sau tai, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực, bụng và ra toàn thân. Đồng thời, vết ban còn gồ lên da mặt và để lại thâm.

Phân biệt bệnh sởi và dị ứng

  • Tương tự rôm sảy, ban do dị ứng cũng mọc toàn thân không theo thứ tự và rất ngứa. Việc nổi ban do dị ứng có thể do yếu tố thời tiết, dị ứng thức ăn, dùng thuốc…
  • Điều khiến cho bệnh sởi trở nên nguy hiểm là do tính chất phổ biến và trong một số trường hợp có thể tự hết mà không cần sự can thiệp của y tế dẫn đến rất nhiều người tỏ ra rất chủ quan. Do đó khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh sởi, bên cạnh quan sát, bạn cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Phân biệt sởi với sốt phát ban
Phân biệt sởi với sốt phát ban
Phân biệt sởi và sốt phát ban

5


Bùi Thị Phương Thảo

Bệnh sởi có nguy hiểm không ?

Trong những trường hợp không biến chứng, những người mắc bệnh sởi bắt đầu hồi phục ngay khi phát ban xuất hiện và cảm thấy bình thường trở lại sau khoảng hai đến ba tuần.
Nhưng có tới 40% bệnh nhân bị biến chứng do virus sởi. Những điều này thường xảy ra ở trẻ nhỏ (trẻ em dưới 5 tuổi), ở người lớn trên 20 tuổi và ở bất kỳ ai khác nếu suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch. Trẻ em dưới 5 tuổi có xác suất tử vong cao nhất.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh rất dễ gặp các biến chứng nguy hiểm sau:

  • Biến chứng về tiêu hóa: viêm niêm mạc miệng, bội nhiễm vi khuẩn xuất hiện muộn do một loại vi khuẩn gây nên hoại tử niêm mạc miệng, xuất hiện tình trạng hơi thở có mùi hôi… viêm ruột với biểu hiện tiêu chảy thường nặng nề hơn so với các tiêu chảy do virus khác. Tiêu chảy và ói mửa do sởi, thường xảy ra cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ nhũ nhi.
  • Biến chứng đường hô hấp: Viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phế quản phổi. Viêm phổi nặng xảy ra khoảng 1/20 số trường hợp bị mắc sởi, có thể dẫn đến tử vong. Do bội nhiễm các loại vi khuẩn khác, xuất hiện biến chứng sau khi phát ban hoặc ngay trong lúc phát ban. Biểu hiện : nhiễm trùng nặng, sốt cao, tỷ lệ bạch cầu trong máu tăng cao, chụp hình X- quang có hình ảnh nốt mờ ở hai trường phổi.
  • Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm tủy cấp, viêm màng não. Có thể làm cho tử vong, gây ra nhiều di chứng nặng nề sau này. Xuất hiện khi ở tuần đầu của phát ban, biểu hiện gồm: sốt cao, bí đái, đái dầm, rối loạn ý thức dẫn đến hôn mê. Điều đáng ngại là sau khi khỏi viêm não, bệnh cũng để lại những di chứng nặng nề về thể chất và tinh thần.
  • Biến chứng mắt – loét giác mạc: có thể ở trẻ do thiếu vitamin A, biến chứng gây cho di chứng mù vĩnh viễn.
  • Biến chứng tai – mũi – họng: Viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai, viêm tai xương chũm, viêm tai giữa cấp xảy ra ở 1/10 số trẻ bị nhiễm sởi.
  • Phụ nữ có thai mắc bệnh sởi có thể bị sảy thai, sinh non hay sinh trẻ nhẹ cân.
  • Suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em hậu nhiễm sởi, làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi
Biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi
Biến chứng của bệnh sởi

6


Bùi Thị Phương Thảo

Lưu ý với người mắc bệnh sởi

Người mắc bệnh sởi, đặc biệt là trẻ em, cần có chế độ sinh hoạt phù hợp giúp điều trị hiệu quả cũng như hạn chế đến mức thấp nhất các biến chứng xảy ra.

  • Với trẻ đã nhiễm bệnh sởi, cần phải được ở phòng thoáng, đủ ánh sáng, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc. Nên lau dọn nhà cửa, phòng ốc và tiệt trùng đồ dùng cá nhân của người bệnh một cách thường xuyên.
  • Tuyệt đối tránh các tập tục kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn. Khi bị sởi, người bệnh sẽ sốt rất cao và đổ nhiều mồ hôi, nếu không cho tắm rửa sẽ dẫn đến ngứa ngày, gây nhiễm trùng nặng.
  • Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Người bị bệnh sởi cần được vệ sinh răng miệng, thân thể sạch sẽ và giữ ấm khi trời đang lạnh. Nên nhỏ mũi, mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc dung dịch nhỏ mắt mũi từ 3-4 lần/ngày.
  • Trẻ mắc bệnh sẽ chán ăn, khi đó cha mẹ nên để trẻ ăn đồ ăn lỏng, dễ tiêu, kết hợp tăng cường dinh dưỡng bằng các thức ăn giàu vitamin A. Trẻ cũng cần uống đủ nước, nước oresol hoặc nước hoa quả. Khi trẻ tiêu chảy còn phải bổ sung nước hoặc cho bú nhiều hơn.
  • Khi phát hiện các dấu hiệu bệnh nặng như mệt, li bì, kém ăn, khó thở, tiêu chảy, ho nhiều, ban lặn nhưng vẫn sốt… thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
  • Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường, như sốt lặp lại, ho nhiều hơn và có đờm, hay nheo mắt vì chói, tiêu chảy, sốt cao kéo dài, co giật, li bì, trẻ mệt hơn, thở nhanh nông, khàn tiếng hoặc mất tiếng hoặc có các biểu hiện bất thường khác… cha mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Phụ nữ mang thai bị mắc sởi đến bệnh viện gần nhất để được tư vấn và có pháp đồ điều trị trong thời gian thai kỳ.
  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh trong 7 ngày từ lúc phát ban, với trẻ em từ 4 – 5 ngày. Bệnh nhân sởi được điều trị trong bệnh viện cần cách ly hô hấp đến ngày thứ 4 sau khi phát ban. Chỉ nên tiếp xúc với bệnh nhân khi đã được tiêm phòng sởi. Nếu người nhà bị sởi, lập tức dẫn mọi người trong nhà đến bệnh viện để tiêm phòng ngay. Thêm vào đó, người chăm bệnh nhân sởi cần rửa tay sạch, làm vệ sinh cá nhân cẩn thận trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân.
Nên tắm rửa sach sẽ cho trẻ
Nên tắm rửa sach sẽ cho trẻ
Cách chăm sóc trẻ bị bệnh sởi

7


Bùi Thị Phương Thảo

Cách điều trị bệnh sởi hiệu quả

Chẩn đoán

Hiện không có cách điều trị chính xác dành cho bệnh sởi. Thông thường các dấu hiệu bệnh sẽ tự biến mất sau 2 đến 3 tuần. Nếu bạn cảm thấy khó chịu hoặc không ổn, bạn nên đến gặp bác sĩ. Lúc này bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh sởi bằng cách xem xét các dấu hiệu và triệu chứng. Ngoài ra, bạn còn cần thực hiện xét nghiệm máu sẽ xác nhận sự hiện diện của virus rubella hay không.

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh sởi bằng cách xem xét các dấu hiệu và triệu chứng.

Điều trị bệnh sởi ở người lớn

Khi tình trạng bệnh sởi xuất hiện ở người lớn, cần tập trung lưu ý những điều sau:

  • Nếu có biến chứng viêm não: Tiến hành chống viêm, chống co giật, chống phù não.
  • Nếu xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn: cần được dùng kháng sinh để tránh tình trạng biến chứng.
  • Đưa người mắc bệnh sởi đến bệnh viện thuộc cấp huyện trở lên, các trung tâm cơ sở y tế để được tư vấn điều trị, đồng thời tránh tình trạng lây nhiễm cho người khác.
  • Những phương pháp điều trị khác bao gồm: hút thông đờm dãi, cung cấp nước điện giải. Thở oxy hoặc hỗ trợ hô hấp nếu bị suy hô hấp. Chỉ cần áp dụng cho viêm long, phù nề thanh quản nặng.

Điều trị bệnh sởi ở trẻ em

Đưa trẻ đến gặp bác sĩ để xem phác đồ chữa trị phù hợp nhất. Việc điều trị sẽ bao gồm:

  • Hạ sốt: Sử dụng thuốc paracetamol, thuốc kháng histamine, loratadin, diphenhydramin, thuốc ho, long đờm hoặc dùng cách hạ sốt thông thường như lau mát.
  • Kem bôi ngoài da
  • Sát trùng mũi họng: nhỏ mũi, nhỏ mắt bằng dung dịch sát khuẩn…
  • Khi bị bội nhiễm sẽ dùng kháng sinh hoặc corticoid, dễ xảy ra trường hợp biến chứng như viêm thanh quản, sởi ác tính, viêm não. Lưu ý, bố mẹ cần tuân theo liều lượng mà bác sĩ chỉ định.

Điều trị các biến chứng bệnh sởi
Hạn chế truyền dịch nếu người bệnh có biểu hiện viêm phổi, não, hoặc cơ tim. Trường hợp viêm màng não cấp tính cần tích cực điều trị theo phương pháp chức năng sống.

  • Chống co giật
    Glucose 5%, Phenobarbital 10-20mg/kg, truyền tĩnh mạch trong 30-60 phút. Lặp lại 8-12 giờ, có thể dùng Diazepam đối với người lớn 10mg/lần tiêm tĩnh mạch.
  • Chống phù não
    Thở máy khi Glasgow <10 điểm.
    Mannitol 20% liều 0,5-1 g/kg, 6-8 giờ/lần, truyền tĩnh mạch trong 15-30 phút.
    Thở oxy qua mũi 1-4 lít/phút, có thể thở oxy qua mask hoặc thở CPAP nếu người bệnh có thể tự thở. Đặt nội khí quản sớm để có thể thở khi điểm Glasgow < 12 điểm hoặc SpO2<92% hay PaCO2 > 50mmHg.
  • Chống suy hô hấp: Suy hô hấp do phù phổi cấp hay viêm não.
    Có thể dùng Dexamethasone 0,5 mg/kg/ngày tiêm tĩnh mạch chia 4-6 lần trong 3-5 ngày. Nên dùng sớm ngay khi người bệnh có rối loạn ý thức.
    Dùng thêm immunoglobulin nếu có điều kiện, khoảng 0,1 – 0,4 g/kg/ngày truyền tĩnh mạch trong 6-8 giờ trong 2-5 ngày liên tục.
Đưa trẻ đến các cơ sỏ y tế
Đưa trẻ đến các cơ sỏ y tế
Nhận biết và điều trị cho trẻ bị bệnh sởi

8


Bùi Thị Phương Thảo

Biện pháp phòng tránh bệnh sởi

Do bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc phòng ngừa bệnh, tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng là điều phụ huynh cần chú ý.

  • Mọi người cần giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn nơi sinh hoạt thông thoáng, sạch sẽ.
  • Cách ly người bệnh: Sử dụng khẩu trang N95 cho người bệnh, người chăm sóc, nhân viên y tế. Thời gian cách ly từ lúc nghi ngờ sởi đến ít nhất sau khi phát ban 4 ngày.
  • Tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng mũi họng bằng nước muối, giữ ấm, nâng cao thể trạng.
  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.
  • Để phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em, thực hiện tiêm chủng 2 mũi cho trẻ độ tuổi tiêm chủng, mũi 1 từ 9-12 tháng tuổi, mũi 2 từ 18-24 tháng.

Ngoài ra, bạn cần ghi nhớ:

  • Nếu đưa trẻ đi du lịch nước ngoài trong độ tuổi 6-11 tháng, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc cho trẻ tiêm vắc xin sởi sớm hơn dự kiến.
  • Nếu trẻ không được tiêm chủng vào đúng thời điểm khuyến nghị, bé sẽ cần tiêm hai liều vắc xin với khoảng cách giữa mỗi lần tiêm là bốn tuần.
  • Đối với bất kỳ ai trên 18 tuổi và sinh sau năm 1956 đều cần phải tiêm vắc xin nếu không có giấy chứng minh tiêm phòng, hoặc chưa bao giờ mắc bệnh sởi.
  • Mặt khác, nếu không rõ bản thân có nên tiêm phòng bệnh hay không, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định.


Phòng ngừa để ngăn chặn sự “hồi sinh” của dịch sởi
Sởi là bệnh có tốc độ lây lan cực nhanh, một người bệnh có thể truyền nhiễm cho 12 đến 18 người lành không có miễn dịch phòng sởi.
Ở nước ta, đến nay đã có 62 tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc sởi rải rác, chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi nhưng cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc sởi ở người lớn. Trong số các trường hợp mắc sởi có đến 98,7% có tiền sử chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi. Các trường hợp mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi thấp và những đô thị có dân số di biến động lớn nên có nguy cơ cao bùng phát dịch.
Cách phòng bệnh hiệu quả và đơn giản nhất là tiêm vắc xin sớm, đầy đủ và đúng lịch. Cha mẹ cần đưa con đi chích ngừa sởi càng sớm càng tốt để bảo vệ trẻ cũng như góp phần bảo vệ cộng đồng.

Cần cho trẻ tiêm vacxin sởi càng sớm càng tốt
Cần cho trẻ tiêm vacxin sởi càng sớm càng tốt
Phòng ngừa bệnh sởi

9


Bùi Thị Phương Thảo

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh sởi

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại sởi. Người bệnh cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để nhanh chóng khỏi bệnh, cũng như hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm.

Vậy người mắc bệnh sởi nên ăn gì ?

Người bệnh cần bổ sung đa dạng nguồn thực phẩm, đầy đủ dinh dưỡng cho 4 nhóm: vitamin, khoáng chất, bột đường, đạm và béo.

Bổ sung nước đầy đủ, có thể uống thêm orezol để bù nước thêm. Đồng thời cần bổ sung thêm nước ép trái cây để đảm bảo bù nước và chất dinh dưỡng.

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A

Việc bổ sung vitamin A là vô cùng quan trọng cả trước và trong khi đang mắc sởi, giúp hạn chế các biến chứng do sởi gây ra cho mắt, chống mù lòa. Ngoài ra, kết quả từ nhiều nghiên cứu cũng cho biết việc bổ sung đầy đủ vitamin A có thể giảm đến 50% nguy cơ tử vong do sởi.
Khi phát hiện mắc sởi, người bệnh cần được uống ngay vitamin A theo liều sau:

  • Trẻ < 6 tháng: uống 50.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp
  • Trẻ 6 -12 tháng: uống 100.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp
  • Trẻ > 12 tháng và người lớn (trừ phụ nữ đang mang thai): uống 200.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp
    Trường hợp người bệnh có biểu hiện thiếu vitamin A thì cần lặp lại liều lượng trên sau 4-6 tuần. Cần lưu ý rằng thuốc bổ sung vitamin A cho người mắc sởi phải có chỉ định của bác sĩ, bạn không được tự ý sử dụng.

Bên cạnh đó, hãy ăn những thực phẩm giàu vitamin A từ những loại thức ăn có nguồn gốc động vật như gan, lòng đỏ trứng… hoặc nguồn gốc thực vật như các loại rau củ quả có màu vàng, đỏ (cà rốt, khoai lang, ớt chuông, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu…), các loại rau sẫm màu (rau cải, rau muống, rau ngót, rau dền, rau đay, rau mồng tơi, súp lơ xanh…).

Bổ sung thực phẩm giàu kẽm

  • Kẽm có chức năng tăng cường hệ miễn dịch, làm lành các vết thương và hạn chế sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn, đồng thời duy trì hoạt động của các cơ quan khác.
  • Bên cạnh việc sử dụng thuốc để bổ sung kẽm, bạn còn có thể thu nạp thêm nguyên tố này qua các thức ăn hằng ngày. Những món ăn thông dụng có chứa kẽm là gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, tôm, lươn, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc…).

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C

  • Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống dị ứng, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus, vi khuẩn, từ đó hỗ trợ người bệnh mau chóng hồi phục.
  • Bạn có thể dùng những loại thực phẩm giàu vitamin C như: Quả cam, chuối, xoài, bưởi, dưa hấu… hay rau đay, mồng tơi, rau ngót, rau dền, rau muống…

Trong giai đoạn toàn phát sởi, người bệnh sẽ sốt cao và đôi khi kèm theo vã mồ hôi, nôn, gây mất nước. Do đó, bạn có thể sử dụng paracetamol (Hapacol) để nhanh chóng hạ sốt cho người bệnh trước. Sau đó, chú ý bổ sung dinh dưỡng, cung cấp đủ nước (nước lọc, nước ép hoa quả) và chất điện giải cho người bệnh.

Khi người bệnh hạ sốt, các vết ban dần lặn bớt thì vẫn tiếp tục đảm bảo chế độ ăn như trên nhưng cần tăng thêm lượng thức ăn trong ít nhất 2 tuần. Điều này giúp cân bằng lại lượng dinh dưỡng mà người bệnh đã bị mất đi, giúp nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Người bị bệnh sởi kiêng gì?


Các loại gia vị cay, thực phẩm tính nóng

Người bệnh sởi thường mọc các vết loét ở niêm mạc miệng. Nếu ăn các gia vị cay nóng như ớt, tiêu, hành, tỏi, quế, cà ri… sẽ có cảm giác đau rát khó chịu. Ngoài ra, khi ăn nhiều thực phẩm cay nóng, các vết loét này cũng lâu lành hơn. Nhóm gia vị và thực phẩm này còn có thể gây ra các phản ứng nhiệt, khiến ban sởi nổi dày hơn.

Thức ăn gây dị ứng như hải sản

Khi người bệnh có cơ địa dị ứng với những loại thức ăn nhất định (chẳng hạn như một số loại hải sản), hãy lưu ý và hạn chế ăn các loại thực phẩm này càng ít càng tốt.

Vì nếu ăn phải những loại thức ăn gây dị ứng, tình trạng phát ban của người bệnh có thể trở nặng thêm. Thậm chí, các triệu chứng của sởi có thể bị che lấp, khiến bạn cho rằng mình chỉ bị dị ứng thông thường. Trong khi đó, diễn biến của sởi có thể đã trầm trọng hơn bạn nghĩ, dẫn đến những biến chứng khó lường.

Thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, chất béo xấu

Bên cạnh việc bổ sung đủ các nhóm chất dinh dưỡng, người mắc sởi cũng cần kiêng các loại thực phẩm chiên rán hay có quá nhiều dầu mỡ, không đảm bảo vệ sinh, những món khó tiêu, dễ gây kích ứng tiêu hóa.

Khi ốm, người mắc sởi có khả năng hấp thu chất dinh dưỡng không cao. Do vậy các thực phẩm khó tiêu sẽ cản trở quá trình hồi phục sức khỏe. Hãy ăn các món ăn sệt, mềm, giàu dưỡng chất như súp hay canh hầm thay vì món chiên xào – tuy có vẻ thơm ngon nhưng không phải là sự lựa chọn đúng đắn cho người đang ốm bệnh. Bên cạnh đó, những loại thức ăn không đảm bảo vệ sinh còn làm tăng nhiễm khuẩn đường ruột, khiến các triệu chứng tiêu chảy, mất nước diễn ra trầm trọng hơn.

Đậu nành, đậu tương có nhiều đạm

Các thực phẩm như đậu nành, đậu tương có chứa lượng đạm cao cũng không tốt cho quá trình điều trị sởi.

Đồ uống có ga, có cồn và caffeine

Khi mắc sởi, người bệnh nên tránh uống các loại nước có ga, có cồn, caffeine như nước ngọt, bia rượu và cà phê. Những thức uống này có thể làm tăng nguy cơ biến chứng sởi.

Thực phẩm đóng hộp, đồ nướng, xông khói, nội tạng động vật.

Nên hạn chế bởi đây là những thực phẩm nhiều đạm, khó hấp thu.

Bổ sung vitamin A là rất quan trọng cho người bị bệnh sởi
Bổ sung vitamin A là rất quan trọng cho người bị bệnh sởi
Người mắc bệnh sởi nên ăn gì ?



from WordPress https://ift.tt/DrnhsiX

0 nhận xét:

Post a Comment

qc pro

Danh sách bài viết

Fanpage Facebook